“Trách nhiệm của con trai tôi là đưa cô đi phá thai!”
https://blog-khoe-dep.blogspot.com/2013/12/trach-nhiem-cua-con-trai-toi-la-dua-co-di-pha-thai.html
"Đây, tôi cho kinh phí đi phá thai là tử tế lắm rồi đấy! Từng này tiền phá được mấy cái đấy!” - mẹ Kha vừa nói vừa ném qua cổng một xấp tiền rồi khinh khỉnh quay ngoắt vào nhà, đóng sầm cửa lại.
Mỹ và Thành (quận 6, TP HCM) yêu nhau hoàn toàn tự nguyện và chân thành. Việc cô có thai không nằm trong dự định nhưng nó cũng không gây ra nỗi sợ hãi hay hoang mang nào, vì anh và cô đã xác định đến với nhau.Nhưng khi Thành đem chuyện trình bày với gia đình anh để xin phép cưới Mỹ thì một trận giông tố nổi lên. Chả là mẹ anh đang nhắm cô con gái một người bạn thân của bà cho anh. Vừa là chỗ quen biết, vừa là con nhà giàu có, lí lịch gia thế cứ gọi là hơn đứt Mỹ. Giờ tự dưng lại có việc nhảy ra làm kế hoạch của bà có nguy cơ bị phá sản, bảo sao bà không nổi giận lôi đình cho được.
Bà thông báo với Thành sẽ không chấp nhận đứa con dâu như Mỹ. Thành cố gắng thuyết phục mẹ, bà liền gọi điện thẳng cho Mỹ ra tối hậu thư: “Cô liệu liệu mà phá cái thai đi. Kể cả có đẻ ra cũng đừng hòng ăn vạ được nhà tôi!”.
Mỹ và Thành còn chần chừ, muốn có thêm thời gian thuyết phục bà bởi đứa con là máu thịt, sao có thể nói bỏ là bỏ được. Riêng bản thân Mỹ, cô sẽ không bao giờ bỏ đi đứa con của mình.
Nhưng bà khi ra tối hậu thư cho Mỹ, mẹ Thành tiếp tục gọi thẳng sang nhà Mỹ để mạt sát và chửi mắng bố mẹ cô: “Ông bà dạy con kiểu gì thế hả? Mồi chài con trai tôi rồi vác bụng bắt nó cưới là cái thể loại gì? Ông bà liệu đường mà bảo con gái ông bà giải quyết hậu quả đi, không thì chỉ ôm cái thiệt vào thân thôi!”.
Sau lần ấy, mẹ Thành còn nhiều lần nhằm bố mẹ cô để “xuống tay”. Bà liên tục gọi những cuộc điện thoại nhục mạ và khinh bỉ, mục đích là để bố mẹ cô bắt Mỹ phá cái thai đi.
Mỹ tin Thành là người đàn ông có trách nhiệm nhưng dưới sự thúc ép, áp lực của bố mẹ, rồi nghĩ đến viễn cảnh bỗng nhiên mất tự do, bị cột vào trọng trách với gia đình mới, Thành đã dần dần trốn tránh Mỹ.
Mỹ đau đớn đến chết đi sống lại. Bao đêm cô không ngủ, tủi thân cho mình và thương con vô cùng. Trong đầu cô lúc nào cũng quẩn quanh suy nghĩ có nên chờ để cho Thành một cơ hội, hay thẳng thừng cắt đứt, đau một lần rồi thôi.
Do không chịu được nhìn con gái sống bằng nước mắt, gia đình Mỹ đã đưa cô đến tận nhà Thành để nói chuyện một lần, nhắc về trách nhiệm của anh - một người đàn ông với người yêu và đứa con chưa thành hình và hy vọng Thành phải chịu trách nhiệm.
Thành ngồi bên cạnh mẹ anh, im lặng, không dám ngẩng mặt nhìn ai. Còn mẹ anh thì điềm nhiên: “Trách nghiệm của con trai tôi nếu có thì là đưa cô đi phá thai. Ngoài ra con dại cái mang, tôi là mẹ cũng sẽ bồi dưỡng một ít tiền cho cô. Không nghe lời tôi phá cái thai đi, ở đấy mà đòi nhà này chịu trách nhiệm thì liệu liệu mà làm mẹ đơn thân nhé. Đối với nhà này, đứa cháu rơi vãi như thế không tồn tại trên đời!”.
“Đến máu mủ của mình gia đình họ còn không coi trọng thì có sang 10 lần, nói chuyện 10 lần cũng thế cả mà thôi, chỉ mang thêm tiếng gia đình mình. Giả sử gia đình đó có đồng ý thì cuộc sống sau này của mình cũng trăm ngàn khổ cực. Mình còn mong chờ gì nữa?” - Mỹ cay đắng nghĩ, và từ đó cô cũng đưa ra quyết tâm cho mình.
Bố mẹ Mỹ thương cô và con lắm, còn xung quanh thiên hạ, người ta có thể cười ba tháng, chứ làm sao cười được 3 năm. Mỹ tự nhủ, cố gắng sống tốt, nuôi con tốt, ông trời sẽ thương mình thôi. Giờ đây, cô khóc vì con, cười cũng vì con, và điều duy nhất cô mong là mẹ tròn con vuông.
Ngân (Hà Đông, Hà Nội) cũng rơi vào hoàn cảnh trớ trêu như Mỹ khi cha của cái thai trong bụng cô sau khi biết đến sự tồn tại của nó đã quay ngoắt 180 độ coi như không hề quen biết cô.
Ngân đau đớn tột cùng khi vừa mới hôm qua đây thôi, lúc cô chưa thông báo tin tức mình có bầu, Kha - người yêu cô vẫn còn yêu thương và chăm chút cho cô từng ly từng tí. Khi biết có con, anh đã “nhẹ nhàng” khuyên Ngân: “Anh chưa sẵn sàng làm bố, cũng chưa muốn lấy vợ, em bỏ cái thai đi, mình vẫn tiếp tục yêu nhau. Khi nào điều kiện chín muồi, anh chuẩn bị tinh thần kĩ hơn thì mình làm đám cưới sau!”.
Nhưng sau khi cô bày tỏ sự cương quyết giữ lại đứa con, mọi cố gắng liên lạc với Kha đều trở nên vô vọng. Anh chỉ để lại cho cô đúng một câu: “Khi nào suy nghĩ xong, quyết định phá thì gọi cho anh, anh đưa kinh phí cho. Còn lại nếu là phương án khác thì đừng làm phiền anh!”.
Bố mẹ Kha cũng coi như là người mềm mỏng và có “thành ý” khi cất công sang tận nhà Ngân mấy lần yêu cầu cô đi bỏ. Ban đầu là nhẹ nhàng, dần dà là gay gắt và ép buộc. Sau cùng là phỉ báng cô hư hỏng, mất dậy, bố mẹ cô không dạy được con, nếu không phá cái thai đi thì không yên với nhà họ.
Mặc dù lòng tự trọng và tự tôn thôi thúc Ngân tuyên bố với gia đình Kha rằng, cô đời này không cần liên quan gì đến con trai họ và gia đình họ. Đứa con là của cô, cô sẽ tự chịu trách nhiệm, tự một mình nuôi con khôn lớn được. Cô và con chẳng làm gì nên tội để phải chịu sự ghẻ lạnh và dè bỉu của họ, không những thế họ còn đang tâm ép cô bỏ đi con mình và chính là cháu ruột họ.
Nhưng mọi người trong gia đình cô lại khuyên cô dù sao cũng nên hy sinh vì con cái, dù ông bà và bố nó đối với mình như thế nhưng con mình cần có bố nên không nên làm thế, cứ để bố có trách nhiệm và nhận con để con được có tình cảm. Vậy là Ngân lại cố gắng, cố gắng đánh động tình cảm nơi Kha và thuyết phục gia đình anh. Nhưng tất cả vẫn là vô vọng.