Nữ Việt kiều kể chuyện 3 năm làm vợ, làm dâu Hà Nội
https://blog-khoe-dep.blogspot.com/2014/01/nguoi-phu-nu-viet-kieu-ke-chuyen-3-nam-lam-vo-lam-dau-ha-noi.html
Là người phụ nữ gốc Hà Nội nhưng Thúy Ngân đã nhập quốc tịch và sinh sống tại Ba Lan từ năm 2 tuổi. Trở lại Việt Nam làm việc trong Đại sứ quán, cô đã có cơ duyên gặp và kết hôn với một người đàn ông Việt...
3 năm chính thức làm dâu, làm vợ Việt, người phụ nữ gốc Việt có quốc tịch Ba Lan này dù nói tiếng Việt chưa tốt nhưng vẫn thấy hạnh phúc khi trở về Việt Nam.Gia đình Thúy Ngân |
Người phụ nữ trẻ này chính là Nguyễn Thúy Ngân, 26 tuổi (Nhân viên phòng Lãnh sự - Visa, Đại sứ quán Ba Lan tại Hà Nội). Hiện Thúy Ngân đang sống hạnh phúc cùng chồng mình là Dương Xuân Bách (28 tuổi) và con gái Dương Bảo Nhi (2 tuổi) tại Thụy Khuê, Ba Đình, Hà Nội. Cùng trò chuyện với người phụ nữ này để biết thêm về cuộc sống thú vị của chị nhé.
Được biết, từ 2 tuổi bạn đã sang Ba Lan sinh sống cùng gia đình. Tính đến thời điểm này cũng 26 năm rồi. Vậy tại sao bạn lại trở về Việt Nam rồi sau đó quyết định sinh sống cùng chồng tại Hà Nội? Có phải bạn về Việt Nam vì “gái theo chồng” không?
Thực sự trước đây khi ở Ba Lan, tôi chưa bao giờ nghĩ được sẽ có ngày quay trở lại Việt Nam sống. Thậm chí, việc kết hôn với một người đàn ông Việt cũng chưa bao giờ có trong tâm trí tôi.
Song từ khi gặp và yêu anh, phải trung thực thừa nhận, anh là lý do lớn nhất và duy nhất để tôi về Việt Nam. Bởi vì tôi không có lựa chọn nào khác khi anh thích về sống ở Việt Nam mà không thích ở Ba Lan.
Những ngày đầu về Việt Nam sống, tôi rất khó khăn để làm quen với mọi người và môi trường mới. Đã có nhiều lần, tôi chỉ muốn đóng gói hành lý và đi khỏi Việt Nam. Nhưng tôi lại không thể làm điều này vì chồng tôi, gia đình nhà chồng và tương lai của chúng tôi ở đây.
Những ngày lạ nước lạ cái đó thật khó khăn với một phụ nữ đã quen sống ở Ba Lan như tôi. Song bây giờ mọi thứ dần tốt hơn nhiều rồi. Tôi vẫn còn nhớ Ba Lan, gia đình và bạn bè bên ấy nhiều lắm.
May mắn hơn là tôi cũng có được một công việc trong môi trường Ba Lan mà làm cho tôi có thể nhớ tới Ba Lan thân thương của mình ít hơn. Đặc biệt ngoài công việc, tôi cũng được hỗ trợ lớn từ mẹ chồng. Và tôi thật sự biết ơn, thấy may mắn khi có mẹ chồng tâm lý như mẹ chồng tôi.
Hai con người với 2 đất nước khác nhau, vậy lần đầu tiên bạn và anh xã gặp nhau trong hoàn cảnh nào?
Chúng tôi gặp nhau ở London vào năm 2007. Khi ấy, tôi đến London để học Đại học, chồng tôi cũng từ Việt Nam sang học đại học tại đây. Lúc đầu chúng tôi không nói chuyện với nhau vì mỗi người một phong cách sống khác. Giữa chúng tôi có một người bạn chung. Chúng tôi đã quen, gặp nhau qua người bạn chung này.
Nữ Việt kiều kể chuyện 3 năm làm vợ, làm dâu Hà Nội 2
Ban đầu, chúng tôi không nói chuyện bởi vì tôi nói tiếng Việt tốt chưa tốt như bây giờ. Khi còn nhỏ, trong khu nhà tôi ở không có nhiều người Việt nên tôi không được giao tiếp tiếng Việt nhiều. Tôi chỉ nói chuyện bằng tiếng Việt ở nhà với cha mẹ tôi nhưng rất ít khi nói. Vì thế tiếng Việt của tôi không được tốt.
Sau vài tháng quen, anh bắt đầu để ý đến tôi. Hàng ngày anh mua hoa và đặt trước cửa phòng của tôi. Lúc đó, tôi còn không biết đó là hoa của anh ấy tặng.
Cho tới lần sinh nhật thứ 20 của tôi, anh đã nói lời yêu. Nhưng phản ứng của tôi lúc đó là: “Tôi không thích bạn và sẽ không bao giờ thích bạn”. Tuy nhiên, tôi cũng cho anh một cơ hội. Và vài tháng sau lần đầu anh ngỏ lời không thành, chúng tôi bắt đầu hẹn hò.
Tình yêu của 2 bạn có bị 2 gia đình phản đối không?
Từ khi quen và cưới nhau đến giờ cũng được gần 8 năm rồi. Sau khi hẹn hò, chúng tôi đã quyết định sẽ kết hôn sau khi tôi tốt nghiệp Đại học. Lúc này, hai đứa đã quyết định sống với nhau ở London.
Lể Cưới của Thúy Ngân |
Khi cả hai bên cha mẹ biết chúng tôi đang hẹn hò, cha mẹ anh và cha mẹ tôi quyết định gặp nhau. Cha mẹ chồng tôi đã sang Ba Lan để thăm cha mẹ tôi. Hai nhà rất hợp nhau và hầu như năm nào bố mẹ chồng tôi cũng sang Ba Lan thăm bố mẹ đẻ. Họ hoàn toàn tán thành chúng tôi yêu nhau.
Nữ Việt kiều kể chuyện 3 năm làm vợ, làm dâu Hà Nội 3
Sống ở nước ngoài nhiều năm như vậy, hỏi thật, một nàng dâu Việt kiều như bạn khi quyết về Việt Nam làm dâu, bạn có lo sợ và gặp nhiều khó khăn không?
Lúc đầu tôi không hiểu tại sao rất nhiều phụ nữ Việt Nam phàn nàn về mẹ chồng của mình. Bởi ở bên tôi, sau khi lấy chồng, 2 vợ chồng không ở cùng nhà với bố mẹ nữa. Chỉ những dịp Tết mới gặp gia đình chồng.
Nhưng sau khi sống ở Việt Nam một thời gian và qua bạn bè mình, tôi đã hiểu hơn về phụ nữ Việt. Bản thân tôi nhận ra, mình rất may mắn có người mẹ chồng tuyệt vời như vậy.
Tôi chính thức bước vào hôn nhân được 3 năm rồi. Thế nhưng chưa bao giờ mẹ chồng gây áp lực cho con dâu hoặc chưa bao giờ 2 mẹ con tôi cãi cọ nhau. Ngược lại, mẹ chồng Việt rất thông cảm và hiểu tôi. Bà hiểu tôi đã hy sinh tất cả những gì tôi có bên Ba Lan để về Việt Nam sống.
Được làm con dâu của mẹ chồng tôi - một bà mẹ Việt, tôi không có bất cứ lo lắng và áp lực nào. Tôi rất may mắn và hạnh phúc.
Sau 3 năm làm vợ của người đàn ông Việt, làm con dâu của mẹ chồng Việt, cuộc sống của bạn thay đổi nhiều không?
Ồ, theo chồng về Việt Nam làm dâu, làm vợ, cuộc sống của tôi thay đổi rất nhiều. Nhất là năm 2012, tôi sinh con gái và cuộc sống của tôi bắt đầu thay đổi hoàn toàn.
Trước đây, khi ở Ba Lan và London, tôi không phải lo nghĩ gì cả. Tôi chỉ học và chơi thôi. Nhưng từ khi về Việt Nam, tôi phải đi làm, phải chăm lo cho gia đình và dành nhiều thời gian cho con gái.
Nữ Việt kiều kể chuyện 3 năm làm vợ, làm dâu Hà Nội 4
Ngoài ra, có một thay đổi lớn nữa là tôi phải học cách sống và làm việc của người Việt Nam. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không biết đi chợ vì người ta nhìn thấy tôi vẫn hay nói thách mà tôi thì không biết mặc cả. Bên kia đi chợ có giá rõ ràng nên rất dễ dàng và không phải mặc cả với ai cả.
Vậy cái khó nhất của một phụ nữ Việt kiều khi làm vợ khi làm dâu trong một gia đình người Việt?
Rất khó để trả lời câu hỏi này vì từ ngày về nhà chồng, tôi chưa gặp bất cứ khó khăn nào từ người thân nhà chồng cả. Lúc nào bố mẹ chồng cũng giúp đỡ và thông cảm cho tôi. Nếu có gì sai, mẹ chồng cũng sẽ nói luôn.
Tôi cảm giác mẹ chồng luôn coi tôi là con gái chứ không phải như con dâu. Tôi nghĩ dù có hết đời này, tôi cũng không trả nổi những gì mẹ chồng đã làm và dành cho tôi. Cho nên đó cũng là lý do khi nghe bạn bè kể chuyện về mẹ chồng họ ghê gớm, không biết điều thì thật sự tôi không hiểu được nỗi buồn của các bạn ấy.
Theo tôi, nếu mẹ chồng con dâu không hợp nhau thì nên ở riêng. Bên nước ngoài vợ chồng trẻ không bao giờ ở cùng với bố mẹ chồng. Mà bản thân bố mẹ chồng cũng không thích ở cùng con cái. Bên ấy, bố mẹ chỉ ở cùng con cái đến khi con đủ 18 tuổi là ra ngoài ở một mình.
Ban đầu tôi cũng bất ngờ khi về Việt Nam mà vẫn thấy bố mẹ chồng quan tâm đến vợ chồng tôi quá nhiều. Lúc ấy, vì chưa hiểu nên tôi cũng thấy khó chịu vì quen sống kiểu đó từ trước. Nhưng bây giờ tôi thấy hầu hết bố mẹ Việt Nam đều tình cảm vậy.
3 năm bước vào hôn nhân, ngẫm ra bạn thấy mình được và mất gì?
3 năm bước vào cuộc sống gia đình, có thể nói là tôi được một gia đình hạnh phúc. Tôi được một đứa con gái tuyệt vời, một người chồng biết lo cho vợ con và được bố mẹ chồng hoàn hảo lúc nào cũng chia sẻ và thông cảm cho con dâu.
Nhưng có những cái được thì tôi cũng phải chấp nhận mất nhiều cái. Chẳng hạn như tôi phải để lại tất cả cuộc sống của mình ở bên Ba Lan. Song tôi chấp nhận vì tôi nghĩ cũng phải mất một cái gì đó để có được một cuộc sống như hôm nay.
Nữ Việt kiều kể chuyện 3 năm làm vợ, làm dâu Hà Nội 5
Dù chưa nói được nhiều tiếng Việt, nhưng bạn cũng là người phụ nữ khéo léo, biết nấu ăn ngon, biết ứng xử nên được nhà chồng rất quý mến. Bạn học được những điều này từ ai?
Khi tôi đã đủ lông đủ cánh, nhất là khi đi làm dâu xa nhà, cha mẹ tôi ở Ba Lan luôn dạy con gái phải tôn trọng người lớn tuổi.
Mẹ tôi lúc nào cũng bảo: “Con phải nhớ lúc nào cũng phải có chữ Nhẫn trên trán. Biết là làm được điều đó thì con sẽ có tất cả”. Nhưng tôi biết, nói thì dễ làm được thì rất khó. Và mỗi khi bực mình với chồng, tôi luôn luôn nhớ lại câu mẹ tôi nói.
Hơn nữa, bố mẹ tôi ở Ba Lan mấy chục năm nay. Ông bà cũng kinh doanh rất vất vả nên từ bé tôi và anh trai cũng phụ giúp bố mẹ nên. Do đó, tôi cũng khá đảm đang từ ngày bé (cười).
Nữ Việt kiều kể chuyện 3 năm làm vợ, làm dâu Hà Nội 6 Ảnh Ngân và con gái nhỏ chụp cùng mẹ đẻ (mặc áo khoác xanh) và mẹ chồng (mặc áo khoác nâu)
Là một người vợ, người mẹ có con nhỏ, và lại làm dâu trong một gia đình người Việt, đã bao giờ vợ chồng bạn cãi vã hay bạn có những mâu thuẫn với mẹ chồng chưa?
Tôi nghĩ không có gia đình nào mà thuận hòa mọi lúc mọi nơi. Nhà nào cũng có ngày tốt đẹp và ngày buồn bực nhiều chuyện. Chỉ có điều là có biết nhường nhịn nhau hay không.
Vợ chồng tôi trước khi quyết định cưới nhau đã chung sống với nhau được hơn 5 năm. Những mặt tốt, xấu của nhau chúng tôi đã biết và chấp nhận. Với mẹ chồng thì tôi chưa có mâu thuẫn nào.
Là một Việt kiều, bạn có thấy sợ Tết Nguyên Đán của Việt Nam không? Tết đến, bạn thường phụ giúp làm gì cho nhà chồng?
Về Việt Nam được 3 năm nhưng tôi đã có cơ hội ăn Tết cùng gia đình chồng được 1 lần rồi. Tết này là cái Tết thứ 2 tôi đón Tết cổ truyền tại đây.
Tết đầu tiên ở Việt Nam, tôi và mẹ chồng chỉ tập trung nấu món cổ truyền thôi. Mẹ chồng tôi làm hết, tôi chỉ phụ bếp và dọn dẹp.
Bên Ba Lan, tết Việt Nam không được thực sự vui như ở Việt Nam. Vì bên đó Tết Việt Nam nhưng với người Tây là một ngày bình thường. Thế nhưng năm nào, bố mẹ tôi cũng làm mâm cơm cúng và thắp hương cúng gia tiên.
Nữ Việt kiều kể chuyện 3 năm làm vợ, làm dâu Hà Nội 7
Năm ngoái, tôi sang Ba Lan sinh em bé nên được ăn Tết cùng bố mẹ đẻ và con gái tôi cũng được đón cái Tết đầu tiên cùng ông bà ngoại. Năm nay, tôi đã quen hơn khi ở Việt Nam. Vì vậy, tôi và chồng dự định sẽ nhận nhiệm vụ đi mua cây đào cho bố mẹ chồng.
Một ngày của bạn có bận rộn lắm không?
Một ngày của tôi cũng khá đơn giản và yên bình. Sáng 7 giờ, con gái đánh thức tôi dậy. Tôi cho con gái uống sữa và ngồi chơi với con một lúc.
8 giờ tôi đi làm và đến 4 giờ thì ở cơ quan về. Sau đó, tôi lại chơi với con một lúc mới đi chuẩn bị nấu cơm. Khi nào chồng về thì cả nhà ăn cơm. Có hôm tôi nấu món Tây, có hôm tôi nấu món Việt Nam. Có hôm vợ chồng rủ nhau đi ăn ở ngoài.
Ăn cơm xong, tôi tắm cho con, cho con ăn sữa và ru con ngủ. Nhiều hôm đi làm về mệt quá con ngủ thì mẹ cũng ngủ lăn cùng con luôn. Một ngày của tôi cũng như bao bà mẹ khác, ngoài đi làm, tôi chỉ muốn nhanh chóng về nhà với con gái.
Cảm ơn bạn đã chia sẻ chân thành. Chúc vợ chồng bạn hạnh phúc và đón Tết Nguyên Đán lần 2 ở Việt Nam thật ấm áp, ý nghĩa!