Làm sao để đội nón bảo hiểm không còn là “cưỡng ép”
https://blog-khoe-dep.blogspot.com/2015/04/lam-sao-e-oi-non-bao-hiem-khong-con-la.html
Có thể bạn không biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có số người chết vì tai nạn giao thông cao nhất thế giới. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này phần lớn là do ý thức chấp hành luật chưa cao, điển hình là việc đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Nếu so sánh ý thức chấp hành luật giao thông ở Việt Nam và ở Nhật bản thì có thể thấy sự khác nhau một trời một vực. Trong một lần công tác bên Nhật, tôi về nhà lúc 12h đêm. Trên đường chỉ lác đác một vài người, nhưng tôi rất ngạc nhiên khi ngày nào đi về trên một đoạn đường nhỏ, tôi cũng gặp một người phụ nữ dừng đèn đỏ mặc dù trời rất khuya và hầu như không có người tham gia giao thông. Cột đèn đỏ chỉ cách nhà của người phụ nữ khoảng 200m. Một khoảng cách quá ngắn để họ phải tuân thủ luật giao thông khi xung quanh không có người chứ đừng nói có cảnh sát giao thông. Hành động này với người Nhật có lẽ là bình thường nhưng đối với một người Việt Nam thì có lẽ là bất thường thậm chí họ còn cho rằng người đó bị điên. Cũng giống như người Nhật khi qua Việt Nam cứ thắc mắc không hiểu tại sao đoạn đường một chiều lại có người đi ngược chiều. Vậy nên mới thấy việc tuân thủ luật giao thông như đội nón bảo hiểm khi điều khiển xe mô tô xe gắn máy ở Việt Nam hiện nay chính là nghĩa vụ, trách nhiệm của các cá nhân đối với nhà nước chứ không phải vì an toàn của cá nhân mỗi người.
Tình trạng đội mũ bảo hiểm giả, hay đem theo nón nhưng chỉ đội khi thấy cảnh sát giao thông, đội nón nhưng không cài quai vẫn là tình trạng rất phổ biến. Mặc dù đội nón là bảo vệ an toàn cho chính người tham gia giao thông chứ không phải nhà nước nhưng ý thức để thực hiện điều này dường như chỉ chiếm tỉ lệ cực nhỏ. Làm thế nào để đội mũ bảo hiểm không còn là việc làm cưỡng ép là câu hỏi mà không phải chỉ bây giờ mới có người thắc mắc. Rất nhiều phương án được đưa ra nhưng thực hiện như thế nào, có triệt để hay không thì lại không ai trả lời được.
Tại sao người dân Nhật lại có ý thức tuân thủ luật giao thông nghiêm ngặt như vậy, và tại sao người Việt lại tuân thủ luật theo kiểu cưỡng ép. Sự khác nhau lớn nhất ở đây đó là đạo đức và văn minh. Từ khi mỗi đứa trẻ Nhật được sinh ra, chúng đã được giáo dục để hình thành một tư cách đạo đức tốt, một lối sống văn minh thay vì tài giỏi thông minh nhưng ý thức thấp kém. Tại Việt Nam, không ít các chương trình, chiến dịch vận động người dân đội nón bảo hiểm khi điều khiển xe máy, điều này là cần thiết nhưng chưa phải là điều kiện đủ mà quan trọng nhất vẫn là quá trình giáo dục từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Giáo dục ý thức bắt đầu từ thầy cô và các bậc phụ huynh có con nhỏ, để hình thành cho một thế hệ trẻ của đất nước nhân cách, tư cách đạo đức tốt và có lối sống văn minh. Chỉ như vậy đất nước Việt mới không phải đưa thêm những quy định như xử phạt hành chính đối với người tham gia giao thông đội nón bảo hiểm không cài quai, hay đội nón bảo hiểm giả.